6 tháng 10, 2011

Nhân vật: Tôi đã phải đi 'đường vòng'

Những người từng tiếp xúc với Nông Hương Ly đều chung nhận xét, cô vui vẻ, nồng nhiệt, cá tính, hơi nóng nảy và khá nhạy cảm. Hơn hết, Ly là người sống có trách nhiệm trong công việc và gia đình.

Tự “bơi” một mình

Tại Đại học FPT (ĐH FPT), chỉ một mình Ly phụ trách cả 2 mảng công đoàn và tổng hội cho hàng mấy trăm cán bộ nhân viên.
Trong năm, mỗi tháng đều đặn có một sự kiện. Đặc biệt, có những thời điểm diễn ra sự kiện lớn như 13/9 thì việc “ngập đầu, ngập cổ”. Ngoài ra, cô còn phải đảm nhiệm một số việc không tên như ốm đau, thai sản, ma chay, hiếu hỷ, sinh nhật, phát động quyên góp ủng hộ…
Một mình Ly đảm nhiệm Công đoàn, Tổng hội cho hàng trăm cán bộ nhân viên ĐH FPT. Ảnh: C.T.
Với Ly, tổ chức sự kiện là phức tạp nhất bởi có rất nhiều khâu nhỏ cần hoàn thành để chương trình chạy tốt. Tất cả các khâu cần được quán xuyến và chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu chương trình lớn, cô sẽ “tổng động viên” nhờ các phòng ban khác hỗ trợ từng đầu việc. Ly đảm nhiệm tiến hành triển khai và quán xuyến chung. Tuy nhiên, chỉ có một mình lo cáng đáng chịu trách nhiệm ở mọi công đoạn, nhiều lúc cô cũng thấy quá tải và căng thẳng.
Nông Hương LyNăm sinh: 1984
Sở thích: ca nhạc, phim hài, nấu ăn, du lịch mặc dù bị say xe.
Sở đoản: Hơi kỹ tính và hay suy nghĩ lung tung.
Ngày vào FPT: 12/2006
Những lúc ấy, Ly nghĩ: “Nếu chương trình thành công, mọi người đều vui vẻ thế là lại “cháy” hết mình, không nề hà, không ngại khó khăn lao vào hoàn thành tiếp công việc”.
Yêu công việc nhưng có nhiều lúc khó khăn chất chồng làm Ly nản chí, cô bảo: “Lúc đó, tôi tìm đến bạn đồng nghiệp luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ hay tâm sự với chồng để tìm cách tháo gỡ, giải quyết từng bước một. Cộng với bản tính lạc quan, tôi có thêm dũng khí để vượt qua khó khăn để tiếp tục “chiến đấu”.
Theo Ly, làm tổng hội phải nhiệt tình, sáng tạo và quần chúng. Ảnh: C.T.
“Quan trọng hơn hết, nếu có sự nhiệt tình, nhiệt huyết, sáng tạo và quần chúng thì khó khăn nào cũng nhanh chóng qua đi”, Ly chia sẻ.

May mắn vì làm tổng hội

Trong quá trình làm tổng hội, kỷ niệm mà Ly có lẽ không bao giờ quên chính là lần đi tập huấn cán bộ Tổng hội do FPT tổ chức. Thực ra, lúc đó, Ly chỉ là người “đóng thế” cho cán bộ tổng hội chính thức đi tham gia. Nhưng cũng chính từ lần tập huấn “định mệnh” này, Ly đã gặp một nửa cuộc đời mình, hiện anh là chồng cô.
Ly (người đầu tiên bên phải) khá vui vẻ, nồng nhiệt, cá tính, hơi nóng nảy và khá nhạy cảm. Ảnh: C.T.
Từ công việc này, Ly cảm thấy mình như có cả thế giới với người chồng, niềm vui khi thấy bản thân năng động hơn và quen biết nhiều người. Và chính công việc mà Ly đang làm cũng góp phần mang giá trị tinh thần đến cho mọi người sau những giờ làm việc căng thẳng.
Chính tình yêu xuất phát từ hai phía, giúp cô có động lực và sáng kiến nhiều hơn cho hoạt động phong trào của ĐH FPT. Ly tổ chức chương trình với mục đích tạo sân chơi giao lưu cho sinh viên và cán bộ nhân viên. Đồng thời, cũng qua các sự kiện, cô muốn tìm kiếm nhiều tài năng “ẩn dật”.
Qua các hoạt động phong trào ở khối đại học, Ly rút kinh nghiệm và phát huy điểm mạnh khi phát động triển khai tại các đơn vị trực thuộc ĐH FPT.
Ly (trái) trong một pha tranh bóng quyết liệt tại giải bóng đá nữ ĐH FPT. Ảnh: C.T.
Mỗi năm, những sự kiện lặp đi lặp lại, muốn làm mới chương trình trên sự kiện cũ, bản thân cô phải học cách tập hợp được lực lượng để tạo thành sức mạnh, sự sáng tạo và làm bật lên tinh túy của tập thể. Bởi vì chỉ khi chương trình được xây dựng từ trí tuệ và công sức của tất cả mọi người thì mới có sức sống và lan tỏa.
Với Ly, kỷ niệm về công tác tổng hội đơn giản lắm! Đó là những giờ phút tập luyện hăng say, vất vả của cán bộ công nhân viên và sinh viên. Nhờ những sự kiện đó, Ly quen biết sinh viên nhiều hơn. Các em ngoan, vui vẻ, trẻ trung cũng là một trong những niềm vui tiếp sức và truyền lửa cho cô tiếp tục công việc.

Đi đường vòng 4 năm

“Có lẽ, ít người biết rằng, tôi đã phải đi “đường vòng” mất gần 4 năm mới làm đúng công việc mà mình yêu thích thực sự” - Ly chia sẻ.
Học chuyên ngành liên quan đến tổ chức sự kiện, câu lạc bộ và tham gia nhiều hoạt động khi còn đi học, nên khoảng cuối năm 2005, Ly đánh liều thử sức dự thi vào vị trí cán bộ Tổng hội (trụ sở FPT vẫn còn ở Láng Hạ) và lọt vào vòng phỏng vấn. Ly trượt thẳng cẳng vì run quá do chưa đi phỏng vấn bao giờ, cộng thêm chưa có tấm bằng Đại học dắt lưng.
Ly "phiêu" trong một ca khúc. Ảnh: C.T.
Thích tinh thần đồng đội, sự dân chủ, môi trường công nghệ hiện đại, Ly vẫn quyết tâm phải làm ở FPT chứ không phải một công ty khác sau khi ra trường.
Một năm sau, cuối năm 2006, sau khi tốt nghiệp, cô tiếp tục xin vào ĐH FPT. Lúc ấy, ĐH FPT mới thành lập còn khá non trẻ. Ly trúng tuyển vào trường nhưng đảm nhiệm công việc chuyên môn khác.
Chính nhờ làm Tổng hội mà cô quen ông xã cũng làm ở FPT. Ảnh: C.T.
Khi được tiếp xúc và cảm nhận văn hóa FPT nhiều hơn, Ly xung phong tham gia hỗ trợ các hoạt động của ĐH FPT. Ly vẫn ấp ủ, đó là hoạt động tiền đề đầu tiên để ngày nào đó cô được làm công tác phong trào - công việc mà cô yêu thích từ bấy lâu.
Nhìn lại khoảng thời gian dài mới được gắn bó với công việc yêu thích, chính Ly tự vấn mình: “Tại sao tôi có thể kiên trì lâu đến vậy?”
Thành tích của Ly với vai trò tổng hội ĐH FPT qua các năm: Giải Nhì Canaval 13/9/2010; Giải Nhất kéo co Hội thao 13/9/2010; Cán bộ công đoàn xuất sắc 2010, giải Nhất Hội diễn Sao chổi 2011, giải Nhất đồng diễn 13/9/2011, giải Nhì Hội diễn STCo 2011.
Lưu Vân

'Ảo thuật gia' khoe lưng trần

Nhiếp ảnh gia Dũng Coli (Ban Đoàn thể FPT HCM) đã cùng người đẹp Đỗ Thị Tâm (Viện Quản trị Kinh doanh thuộc ĐH FPT) thực hiện bộ ảnh theo ý tưởng kết hợp vẻ mềm mại của thiếu nữ trong trang phục áo yếm với vẻ đẹp thuần khiết của hoa Sen.

Mặc dù cả người mẫu và nhiếp ảnh gia đều đã lục đục dậy từ 5h sáng để đi chụp những tưởng ra sớm sẽ chọn được địa điểm đẹp và thoải mái chụp vậy mà khi đến Hồ Tây thì ở đây đã "đông như hội".
"Chị em vẫn mặc nguyên quần áo văn phòng xúng xính chụp ảnh rồi mới đi làm, đúng là sự đam mê chụp ảnh của các cô gái thật mãnh liệt", DũngColi chia sẻ.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ khi thực hiện bộ ảnh này là liên tục ở tình trạng sắp... ngã xuống hồ. Anh cho biết, vì bộ ảnh của Tâm phần lớn được thực hiện trên thuyền nên mỗi lần chuẩn bị tạo dáng để chụp thì thuyền lại bị mất cân bằng và đung đưa muốn lật.
Đỗ Thị Tâm từng là gương mặt được đánh giá cao ở cuộc thi Miss FPT 2011 vừa qua. Không chỉ có gương mặt tươi tắn mà Tâm còn gây ấn tượng đặc biệt với khả năng làm ảo thuật điêu luyện. Tuy nhiên vì lý do cá nhân nên cô đã dừng cuộc thi trước khi đêm chung kết diễn ra. Hiện công việc chính của Tâm ở Viện Quản trị Kinh doanh là Quản lý học viên cho các khóa học của trường.
Bình Nguyên
Ảnh: DũngColi

'Hỏi thẳng' Giáo sư Xoay

Phóng viên Huỳnh Phan (Vietnamnet) đã đưa ra những câu hỏi đơn giản và thẳng thắn, để giúp độc giả hiểu được một con người khác của Phó ban Đoàn thể FPT Đinh Tiến Dũng. Chúngta.vn trích đăng nội dung bài phỏng vấn này.

GS Xoay trong nỗ lực xây dựng hình tượng mới

- Anh đang làm gì để tạo ra cái giá trị mới cho giới trẻ?
- Tôi rất nhiệt tình tham gia các công tác bên ngoài, bởi tôi thực sự muốn xây dựng một hình ảnh cho giới trẻ thật tốt. Việc tham gia vào ngành giải trí cũng cho tôi một sự quen biết rộng hơn, một cú tăng tốc tốt.
Tôi lập ra địa chỉ ở Facebook có tên là "Giáo Sư Xoay" cũng một phần vì lý do đó. Tôi hoàn toàn có tiếng nói trong cái cộng đồng facebook của mình, hay trong giới sinh viên.
Tôi nghĩ mình phải cố gắng hơn nữa, phải mở rộng phạm vi hoạt động của mình hơn nữa. Bởi, có thể tôi không phải là một hình tượng của giới trẻ, tôi vẫn có thể vạch ra một con đường để các bạn trẻ cùng đi với tôi.
Giáo sư Xoay trong một phút "phiêu".
- Anh nghĩ điều gì quan trọng nhất đối với một hình tượng được công nhận?
- Có thể mắc sai lầm, chứ không phải cái gì cũng đúng. Cũng có thể có nhiều thất bại, vấp ngã, chứ không phải toàn thành công. Nhưng có một điều không thể thiếu - đó là phải có cái tâm sáng, cái tâm muốn phục vụ cho xã hội, cho cộng đồng.
- Trên facebook, hình thức anh trao đổi với các bạn trẻ như thế nào?
- Nguyên tắc bất biến của tôi là không thoả hiệp. Thứ hai, những vấn đề quá lớn tôi tránh không trao đổi.
- Các bạn trẻ thường quan tâm đến những vấn đề gì?
- Thường có 3 dạng câu hỏi. Thứ nhất là dạng câu đánh đố. Dạng thứ hai là toàn những câu hỏi ngây thơ, bởi người hỏi ngây thơ thật. Dạng thứ ba là hỏi để cho vui.
Nếu hỏi nghiêm túc, tôi trả lời rất nghiêm túc, rất trách nhiệm. Hỏi cho vui, tôi trả lời vui. Còn hỏi đánh đố, tôi cũng không mất thời gian để trả lời, mà cố xoay lại thành câu hỏi để đánh đố lại người hỏi, hoặc đặt ra một bài toán khác để đánh lạc hướng.
Thế nhưng, chuyện giao lưu của tôi với các bạn trẻ không chỉ dừng ở cái cách phần nào thụ động đó. Tôi vẫn chủ động cung cấp "thức ăn" để "nuôi" số lượng các bạn trẻ truy cập vào trang facebook của tôi. Đó là các bài viết. Tôi luôn đưa thông tin một cách tưởng như rất vô tình thôi. Chẳng hạn, hôm nay vừa ra chụp ảnh tàu hải quân, đứng chơi với một anh lính hải quân, và trao đổi với anh ấy chuyện nọ chuyện kia... Trong lúc đất nước đang có vấn đề này nọ, rõ ràng tình yêu đất nước không được phép mù quáng mà phải rất tỉnh táo.
- Về việc xây dựng hình tượng trên truyền thông, Anh có gợi ý gì không, từ những trải nghiệm của riêng mình?
- Tôi có người em làm hoạ sĩ, cậu ấy nói làm hoạ sĩ cũng phải có độ "kiêu" nhất định. Tức là không thoả hiệp. Chứ khách hàng thì đa dạng, và thuộc nhiều tầng văn hoá lắm. Nếu cứ chiều theo họ thì sản phẩm của mình, cho dù họ vẫn là người mua, sẽ không còn dấu ấn riêng của mình nữa. Theo tôi nghĩ, nghề báo của các anh cũng vậy, vẫn phải quan tâm đến pageview để tự tồn tại mà hành nghề tiếp tục, nhưng vẫn phải cung cấp cho độc giả những thứ tốt nhất, tử tế nhất. Rồi cuối cùng họ sẽ hiểu. Năng lực phải đi cùng với trách nhiệm chứ.
- Tức là sao...?
- Thì báo chí được nhiều người trong xã hội tin thì cũng phải có trách nhiệm lớn với xã hội, phải nêu lên những vấn đề đáng quan tâm chứ không phải chỉ đưa những loại thông tin "cướp, giết, hiếp", hay "lộ hàng, lộ hoá"... Nó làm băng hoại xã hội đi. Bởi ngày nào uống cà phê, người ta cầm tờ báo đọc chuyện cô nọ bị hiếp, anh kia bị giết, rồi bình thản bình phẩm về những nạn nhân đó. Tôi nghĩ dần dần người ta sẽ trở nên vô cảm trước những chuyện đó.

Con đường mang tên Đinh Tiến Dũng

- Ở cái tuổi 30 mà anh đã làm được nhiều việc, đã khá nổi tiếng. Anh có thể chia sẻ với các độc giả Tuần Việt Nam, nhất là các độc giả trẻ, những trải nghiệm "không photoshop" của mình được không?
- Tôi là người đến sau trong nhiều lĩnh vực, nên, thú thực, nhiều khi cảm thấy rất tự ti. Nhưng có một lần, tôi được nghe câu nói của Napoleon, và từ đó tôi tự tin lên rất nhiều, và đã giành được không ít thắng lợi.
- Câu thần chú gì hay vậy?
- Đó là người chiến thắng không phải người rút gươm ra trước, mà là người tra gươm vào vỏ sau cùng.
- Lý do vì sao anh thi vào Đại học Nông nghiệp?
- Tất cả khu tôi ở (khu y tế dự phòng ở Nam Định) đều là con cái bác sĩ hết. Vì vậy, bọn trẻ chúng tôi không có nhiều lựa chọn, tức là đầu cấp 3 là phải hướng theo khối B rồi. Riêng tôi, tôi thích cây cối, thích trồng trọt trong chậu từ bé. Nên lúc lựa chọn ngành nghề, tôi chọn cả hai trường là Y Thái Bình và Đại học Nông nghiệp. Tôi đỗ cả hai.
- Vậy tại sao anh lại chọn Đại học Nông nghiệp?
- Khi báo kết quả, tôi vừa đúng khít điểm đỗ Y Thái bình. Trong khi đó, điểm thi của tôi vào Đại học Nông nghiệp lại là Thủ khoa, hay Á khoa gì đó. Thế là, chọn ngành Nông nghiệp. Vừa có tí "Mr. Oai", lại xa nhà đỡ bị phụ huynh quản lý.
- Thời đại học, anh học hành có dễ dàng không?
- Tôi được giao làm lớp phó phụ trách học tập. Thế rồi chủ quan, chơi bời thoải mái, đến lúc thi trượt ngay một môn. Trắng mắt ra, lại học nghiêm chỉnh, lại có học bổng.
- Thế tại sao anh lại không theo nghề kỹ sư nông nghiệp?
- Cũng do không quá thách thức, nên tôi học cũng không chuyên tâm. Đến khi đi thực tập, làm việc với nông dân, tôi mới thấy nếu tôi mà làm kỹ sư nông nghiệp thì làm hại cho nông dân nhiều hơn là giúp ích cho họ. Thế là tôi đã quyết định chọn một việc mà mình chắc chắn là có năng lực tốt và làm tốt. Tôi đã về Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Tại sao lúc đó anh lại tin rằng mình làm công tác Đoàn tốt hơn? Kinh nghiệm tham gia công tác Đoàn ở Đại học Nông nghiệp?
- Còn hơn thế nữa. Tôi là một cán bộ thanh niên có tiếng tăm ở Thành đoàn và cả Trung ương Hội Sinh viên nữa... Tôi còn tham gia nhiều hoạt động lắm, cả những hoạt động từ thiện ở vùng sâu vùng xa. Cũng có nhiều thành công, đoạt nhiều giải thưởng và bằng khen. Và đó là lý do vì sao khi ra trường, Trung ương Đoàn họ mời tôi ngay.
- Khi bắt đầu tham gia công tác Đoàn ở trường, anh nghĩ gì?
- Có nghĩ gì đâu. Vì vui thôi. Cũng như tham gia hát hò, kịch cọt, vẽ vời ấy mà. Vào một ngày đẹp trời, lúc tôi vẫn đang học năm thứ nhất, có một vị đến bảo tôi có muốn làm phó chủ tịch Hội Sinh viên trường không. Làm thì làm, tôi ngại gì bố con thằng nào.
Có điều này, tôi chỉ nói riêng với Tuần Việt Nam thôi nhé. Thực ra, nhận lời làm lãnh đạo sinh viên tôi cũng có chút tính toán vụ lợi. Chả là, tôi phát hiện ra trong kho của trường có bộ trống cũ, mà tôi lại rất thích chơi trống. Chỉ có ở cương vị mới, tôi mới có quyền lôi bộ trống đó ra, và khôi phục lại ban nhạc của trường.
- Anh nghĩ để thành công như Anh cần có những yếu tố gì?
- Phải tự đặt mình vào sức ép. Chẳng hạn, chúng tôi phải vận động sinh viên vào Đảng, vậy trước hết mình phải vào trước làm gương đã. Không có người ta lại bảo xui trẻ con thế nọ thế kia. Tôi vào Đảng từ cuối năm thứ ba. Hay để phát động sinh viên học tốt, toàn bộ BCH Hội Sinh viên phải có học bổng. Nói chung, tôi nghĩ, để mọi phong trào, mọi cuộc vận động thành công, những người khởi xướng phải làm gương trước.
- Nhiều người cho rằng bây giờ hướng sinh viên vào các hoạt động lành mạnh rất khó, bởi tác động tiêu cực từ xã hội vào trường học quá mạnh. Anh có nghĩ vậy không?
- Cũng không hẳn là khó, nếu người lãnh đạo biết cách. Chẳng hạn, trường tôi rộng lắm. Cứ đến Tết là lắm chuyện. Mỗi nhóm một góc nhậu nhẹt, đánh nhau, đốt pháo... Nhà trường thì lo sốt vó.
Tôi nghĩ đơn giản thôi: Sinh viên ai mà không quậy. Tôi cũng rất quậy mà. Tôi tổ chức một chương trình đón giao thừa lần đầu tiên cho sinh viên toàn trường, kéo dài tới tận 1 giờ sáng. Đầy đủ trò, từ hát hò, nhảy múa, đến giao lưu... Đèn sáng trưng, đội xung kích đứng khắp nơi, có muốn quậy phá cũng không làm gì được.
- Tức là thay vì đi theo dõi cấm đoán, ngăn chặn, ta phải tổ chức cho họ một hoạt động với cùng mục đích, nhưng dưới hình thức khác, lành mạnh hơn, bổ ích hơn, cho họ?
- Đúng vậy. Làm sao mà đi theo ngăn chặn, cấm đoán được mãi. Sức trẻ hừng hực mà, giập chỗ này, họ quậy chỗ khác. Điều quan trọng là làm sao phải có chỗ để năng lượng đang tích tụ trong người họ có chỗ được xả ra một cách lành mạnh nhất.
Hơn nữa, cũng vì tổ chức lại hoạt động cho sinh viên mà an ninh trường tôi yên hẳn. Chứ, trước đó, trai làng thường vào chiếm sân bóng, chòng ghẹo các nữ sinh viên, mà nam sinh viên chẳng dám làm gì. Khi có đội xung kích do chúng tôi lập ra làm nòng cốt, sinh viên tự tin hẳn lên. Sau một số va chạm, trai làng thấy chúng tôi đoàn kết và thể hiện rõ bản lĩnh đã không dám vào quậy phá, làm càn nữa.
- Ngoài hoạt động tình nguyện, nghe nói Anh còn tham gia viết kịch cho hội diễn từ hồi sinh viên?
- Đúng thế. Năm 2001 là năm thành công rực rỡ của tôi. Một vở kịch của tôi giành giải vàng của ba hội diễn. Hoành tráng lắm.
- Cảm giác lúc đó ra sao?
- Lâng lâng trong cảm giác mình là ngôi sao, mà ngôi sao sáng chói nữa chứ. Anh tính mới sinh viên năm thứ hai mà được ngần ấy thành công, có mà thoát đằng trời cái bệnh ngôi sao.
- Tôi cũng nghe nhiều đến bệnh này, nhưng triệu chứng của nó thế nào, anh nhỉ?
- Thì trước khi đi đâu lo lo lắng lắng, cũng ngắm ngắm vuốt vuốt. Mình là người của công chúng mà. Thứ hai là không nhận làm những việc nhỏ nữa, bởi mình đã quá to rồi. Chẳng hạn, mời đi dự đại hội Đoàn của lớp, quên đi nhé.
- Thế căn bệnh này kéo dài có lâu không? Vì sao lại chữa trị được?
- Cũng mất đến 2-3 tháng ấy, chứ chẳng ít. Rồi tôi cũng lờ mờ nhận ra là mình đang tự bó hẹp mình lại. Không đi, không tiếp xúc, là không biết nhiều điều mới.
Nhưng nguyên nhân trực tiếp làm cho tôi tỉnh ngộ thực sự là một trận mắng té tát của một thầy giáo, và cũng là đàn anh của tôi. Phải nói là chửi thì đúng hơn. Và tôi nhận thấy mình sai quá, ngu quá. Sau này ra tiếp xúc với sinh viên, hay nhân viên mới của FPT, thấy phần lớn các bạn thích làm những việc rất to, và nghĩ rằng mình phải làm những việc to mới xứng tầm, tôi lại nhớ lại những ngày đó. Và tôi nói với các bạn đó rằng nên quan tâm đến những việc nhỏ, bởi nhiều việc nhỏ góp lại thành việc to.
- Khi về Trung ương Đoàn, anh được phân công làm gì?
- Tôi được phân công làm chuyên viên Ban Thanh niên - Trường học của Trung ương Đoàn. Ngày xưa, khi còn là sinh viên, thì làm uỷ viên ban chấp hành, nay tốt nghiệp rồi thì lại bị "giáng chức" thành chuyên viên. Suốt ngày soạn công văn giấy tờ, biên soạn bản tin tình nguyện, đi dạy kỹ năng cho các cơ sở Đoàn. À quên mất hai nhiệm vụ quan trọng nhất là lấy báo và pha trà. Sau 9 tháng 10 ngày, tôi mới được ký hợp đồng chính thức.
- Nghe cái giọng của anh, dường như đã có một sự hụt hẫng ghê gớm. Có phải vì vậy mà anh lại dứt áo ra đi không?
- Đúng là có sự hụt hẫng. Nhưng là cảm giác của một người chơi game khi thắng xong. Bao công phấn đấu để đạt được hợp đồng, nhưng khi có hợp đồng rồi, tôi lại nghĩ: Chẳng lẽ đây là chỗ của mình ngồi trong nhiều năm nữa? Cùng lúc đó, tôi gặp lại anh Trương Quý Hải, như một định mệnh. Gặp nhau từ năm 1999 khi tham gia Thành đoàn, gặp lại vào năm 2005, anh Trương Quý Hải lại rủ tôi về FPT.
- Anh được phân công nhiệm vụ gì khi về FPT?
- Phát triển Đảng, anh ạ. Nhưng, có lẽ tôi không được "mát tay" lắm, khi, sau một năm rưỡi, tôi phát triển thêm cho Đảng bộ FPT thêm được đúng một Đảng viên. Vả lại, cũng có lẽ do phần lớn thời gian tôi dành cho công tác văn hoá văn nghệ.
- Và anh lại bị điều chuyển...?
- Thì đã hẳn. Nhưng tôi được trao một cơ hội khác thì đúng hơn. Đó là phụ trách mảng phát triển thương hiệu. Đó là một thời gian rất hữu ích với cá nhân tôi, bởi suốt thời gian đó, tôi phải đọc nhiều hơn là làm. Tôi phải học về xây dựng thương hiệu, xây dựng hình tượng...
Và một Giáo sư Xoay của đời thường.

Giới trẻ cần được thừa nhận, tin tưởng và bao dung

- Có phải đó là lý do anh nghĩ nhiều đến hình tượng cho thanh niên không?
- Có lẽ đúng như vậy. Và rất may là tôi lại được "đi thực tế", khi được phân công về Đại học FPT năm 2007. Thời gian 2 năm rưỡi ở Đại học FPT đã giúp tôi kiểm nghiệm nhiều điều trong việc xây dựng hình tượng cho thanh niên, sinh viên.
- Nếu nói một cách ngắn gọn về môi trường ở FPT, nơi mang lại cho anh khá nhiều thành công, anh sẽ nói thế nào?
- Gói gọn trong 6 chữ: "Thừa nhận, tin tưởng, bao dung". Có được thừa nhận, có được tin tưởng, thì những người trẻ như tôi mới dám liều thực hiện những ý tưởng của mình chứ. Có được bao dung thì sau khi sai lầm, thậm chí vấp ngã, mới có cơ hội đứng dậy mà làm lại chứ.
- Lý do anh rời Trung ương Đoàn là do cái vai của một chuyên viên, mà tiêu chí cao nhất là sự cần mẫn, không phù hợp với một con người hoạt bát, lắm ý tưởng và ưa bay nhảy như anh? Dường như anh chỉ thành công ở cương vị thủ lĩnh, chứ không phải ở vị trí kẻ thừa hành?
- Cũng có thể là vậy, tôi chẳng rõ lắm. Nhưng, cũng còn một lý do khác. Anh tính lương có 542 nghìn, thuê nhà hết mất 400 nghìn rồi. Phải làm thêm đủ thứ mới đủ sống. Nên, nghĩ lại, lý do thực sự khiến tôi ra đi là vì tôi muốn hanh thông, muốn sống vui, sống khoẻ, muốn nhanh chóng có nhà riêng.
- Thời làm Trung ương Đoàn, anh có cảm thấy mất tự tin hay không?
- Ý anh là thế nào?
- Tức là con người ta mất tự tin khi không thể hiện được những điểm mạnh nhất của mình.
- À. Cái làm tôi mất tự tin nhất là tính cách của tôi không được thừa nhận. Làm chính trị thì phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, mà tôi thì thích sự thẳng thắn, tính phổi bò, thậm chí hơi ngang tàng một chút. Tôi đã hết tuổi Đoàn từ lâu rồi. Nhưng, qua theo dõi, tôi thấy dường như hoạt động Đoàn nói chung vẫn không khác thời của tôi là mấy. Tức là có gì đó quá nghiêm túc, quá mô phạm, quá "ông cụ non, bà cụ trẻ".
- Chính vì vậy, họ khó tập hợp được thanh niên, vốn ưa sôi nổi, trẻ trung, đôi khi hơi ngông cuồng một chút. Anh có nghĩ vậy không?
- Tôi cũng không rõ lắm. Kinh nghiệm của tôi ở Đại học Nông nghiệp, hay sau này là Đại học FPT, cho thấy để làm tốt công tác Đoàn ở môi trường sinh viên phải có sự bao dung nhất định. Tính tuổi trẻ là thế, thích xù lông xù cánh, tỏ ra tinh tướng, nói năng có khi hơi nghịch nhỉ, nhưng bản chất của họ là hướng thiện. Người xét nét thì chắc chắn sẽ thấy ngứa mắt, rồi dẫn đến định kiến. Tôi nghĩ rằng nếu sinh viên cần một thủ lĩnh tôi cũng làm thủ lĩnh được, họ cần một đại ca thì tôi cũng làm đại ca được.
- Theo anh một thủ lĩnh của sinh viên, hay thanh niên nói chung, cần những phẩm chất gì?
- Thứ nhất là dám làm dám chịu. Bởi người trẻ rất cần sự công bằng, và họ đánh giá cao sự chịu trách nhiệm. Thứ hai là phải hiểu họ, hoà cùng với họ, nhưng luôn phải vượt trên họ một cái đầu. Thế mới xứng làm thủ lĩnh chứ, mới tập hợp được họ chứ.
- Có bao giờ anh nghĩ sẽ quay trở lại Trung ương Đoàn, nhưng với vị trí lãnh đạo không?
- Cái gì mà gắn với thanh niên, sinh viên một cách hiệu quả nhất là tôi sẽ tham gia.
- Hiệu quả nhất là thế nào? Tôi chưa hiểu ý anh.
- Tức là nếu tôi cảm thấy môi trường của Trung ương Đoàn phù hợp để tôi phát huy hết khả năng của mình, tôi sẵn sàng từ bỏ mức lương hấp dẫn ở đây để về đóng góp vào phong trào Đoàn. Tôi tin rằng mình có thể làm tốt, nếu có môi trường tốt. Bởi tôi đã có trải nghiệm làm công tác Đoàn với nhiều đối tượng khác nhau, từ môi trường đại học đến môi trường doanh nghiệp. Rồi trong cuộc đời cũng giao du, va chạm với thanh niên thuộc nhiều giai tầng khác nhau.
- Xin cám ơn anh vì những câu trả lời thẳng vừa rồi.
(Theo Vietnamnet)

Trên 260 triệu ủng hộ anh Thành Huy

Tính đến ngày 5/10, người FPT đã ủng hộ giảng viên ĐH FPT Nguyễn Thành Huy tổng số tiền là 260.939.000 đồng.
>> Một cán bộ ĐH FPT đang cần giúp đỡ

Trước hoàn cảnh khó khăn của giảng viên Nguyễn Thành Huy, ngày 15/9, trường Đại học FPT đã phối hợp với Công đoàn FPT phát động chương trình quyên góp ủng hộ thầy Huy trên toàn quốc, nhằm hỗ trợ thầy vượt qua căn bệnh này.
Chương trình “FU luôn bên thầy” nhanh chóng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các sinh viên FPT toàn quốc. Ảnh: Hữu Quyên.
Chiến dịch được toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên FPT ủng hộ nhiệt tình. Sinh viên FPT đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc với thầy Huy qua chương trình “FU luôn bên thầy” được tổ chức trên toàn quốc. Chương trình “FU luôn bên thầy” đã tạo hiệu ứng cao khi thu hút được sự tham gia của đông đảo sinh viên FPT và phát huy được tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng sinh viên nhà trường.
Vượt ra khỏi phạm vi Trường Đại học FPT, chương trình ủng hộ giảng viên Nguyễn Thành Huy đã lan rộng và phát triển mạnh mẽ lên cấp Tập đoàn FPT. Tinh thần lá lành đùm lá rách của người FPT đã được thể hiện rõ nét qua việc chung tay góp sức của đông đảo cán bộ thuộc các đơn vị thành viên tập đoàn.
Sau 13 ngày phát động, đến hết ngày 29/9, cán bộ nhân viên Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) đã ủng hộ Huy tổng số tiền là 107.560.000 đồng. Đây cũng là đơn vị nhiệt tình tham gia đóng góp ủng hộ nhất ngay từ những ngày đầu cương trình.
Chị Nguyễn Thị Hải Vân (Cán bộ Công đoàn FPT Software) chia sẻ: "Toàn bộ số tiền trên sẽ được Công đoàn FPT Software chuyển đến bạn Huy. Hy vọng với sự chung tay giúp đỡ của anh chị em FPT Software cùng với tập đoàn FPT sẽ giúp bạn Huy vượt qua được bệnh tật và trở lại với trường đại học FPT để làm người thầy đứng trên bục giảng".
Tổng hội - Công đoàn Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cũng hưởng ứng chương trình, gửi mail kêu gọi ủng hộ trong toàn đơn vị. Tính đến cuối ngày 3/10, tổng số tiền CBNV FPT IS quyên góp được là 24,55 triệu đồng.
Như vậy chỉ trong nửa tháng, số tiền quyên góp ủng hộ giảng viên Nguyễn Thành Huy đã lên tới trên 260 triệu đồng. Chị Lê Thị Loan, đại diện Công đoàn nhà trường cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các thành viên khác của FPT gửi về sau đợt quyên góp này. Số tiền ủng hộ sẽ được Trường Đại học FPT làm việc cụ thể với Công đoàn của Tập đoàn FPT để thống nhất về thời điểm chuyển tiền cho thầy Huy, đảm bảo việc chữa trị được tiến hành nhanh nhất”.
Gia nhập ĐH FPT từ 14/9/2010, thầy Huy là một giảng viên giáo dục thể chất hiền lành, được đồng nghiệp và sinh viên yêu quý. Đối mặt với bệnh thận giai đoạn cuối là một thực tế đầy nghiệt ngã và khó khăn với thầy Huy và gia đình. Hiện, thầy Huy đang trong quá trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Với căn bệnh này, thầy Huy và gia đình đã được bác sỹ tư vấn phải phẫu thuật ghép thận nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Chi phí cần thiết cho toàn bộ quá trình điều trị là một số tiền lớn, vượt quá khả năng của gia đình: 320 triệu đồng, chưa tính tiền thuốc đào thải sau phẫu thuật khoảng 6-8 triệu đồng/tháng trong 6 tháng đầu và khoảng 3 triệu đồng/tháng cho giai đoạn tiếp theo.
Chi phí 320 triệu là cho ca phẫu thuật ghép thận, việc tìm quả thận phù hợp để cấy ghép cũng là một bài toán khó. Người quá lớn tuổi không thể cho thận, do vậy, bố mẹ Huy không thể cho thận. Bên cạnh đó, chênh lệch độ tuổi giữa người cho và người nhận không quá 10 tuổi.
Quan trọng nhất là giữa 2 bên phải phù hợp về nhóm máu. Anh Huỳnh Tấn Châu, Viện trưởng Viện Công nghệ Phần mềm thuộc ĐH FPT cung cấp thêm: "Huy nhóm máu A nên khó tìm. Gia đình nhà Huy đã có 6 người kiểm tra gồm 4 người anh nhà bác, 2 anh trai của Huy. Kết quả chỉ có anh kế của Huy là phù hợp. Tuy nhiên đó mới chỉ là nhóm máu, còn phải kiểm tra chéo nhiều thứ khác mà các xét nghiệm này bệnh viện Trung ương Huế không thực hiện được mà phải gửi vào TP HCM. Nếu kết quả khả quan, thì phải sau 2 tháng nữa mới tiến hành được ca phẫu thuật".
Trong suốt thời gian chờ phẫu thuật, Huy đang phải chạy thận để duy trì để duy trì sự sống.
Thu Thủy